Chụp ảnh cân bằng trắng là gì?

Nếu đã chơi nhiếp ảnh thì chắc chắn ai cũng đã từng nghe đến khái niệm cân bằng trắng, nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận về cân bằng trắng là gì? Dẫn đến việc chụp ảnh nhiều khi bị sai cân bằng trắng, hay nhiều người còn gọi là chụp bị sai màu. Bài này sẽ chia sẻ với bạn kiến thức cơ bản về cân bằng trắng theo một cách dễ hiểu nhất.

Tìm hiểu chụp ảnh cân bằng trắng là gì

{tocify}

Định nghĩa cân bằng trắng

Cân bằng trắng tiếng Anh gọi là White Balance, khi một người chỉnh cân bằng trắng nghĩa là họ đang muốn “Đưa màu trắng về đúng với màu trắng”. Nghe có vẻ hơi khó hiểu, nhưng nôm na là như thế này:

Khi bạn chụp một vật thể màu trắng (ví dụ: áo trắng, bức tường trắng, tờ giấy trắng…) mà bạn thu được một tấm ảnh trong đó vật thể có màu trắng thì có nghĩa là bạn đã cân bằng trắng đúng.

Nhưng khi bạn chụp một vật thể màu trắng, mà khi lên ảnh thì không phải màu trắng, nghĩa là bạn chưa đạt cân bằng trắng. Ví dụ bạn chụp một tờ giấy trắng, nhưng tờ giấy trắng đó được đặt dưới một ngọn nến, ánh sáng ngọn nến có màu cam chiếu lên tờ giấy trắng. Khi đó tờ giấy trắng đã bị nhuộm màu cam bởi ánh sáng của ngọn nến, nên tấm ảnh bạn chụp tờ giấy không còn màu trắng nguyên bản nữa.

Trong thực tế, ánh sáng có rất nhiều màu sắc, nên sẽ nhuộm màu lên mọi vật, và sẽ làm thay đổi màu sắc của mọi vật. Khi đó bạn chụp ảnh sẽ không thu được màu sắc nguyên bản của vật thể nữa, màu bạn thu được sẽ là màu của vật thể cộng với màu của ánh sáng nhuộm lên. Trừ trường hợp ánh sáng trắng, ví dụ như ánh sáng mặt trời giữa trưa, ánh sáng đèn flash, strobe. Ánh sáng trắng thì sẽ không có màu, nên sẽ không làm thay đổi màu của vật thể.

Như vậy, mở rộng ra, có thể hiểu rằng “cân bằng trắng chính là đưa màu vật thể về đúng với màu nguyên bản”.


Các chế độ chụp đạt cân bằng trắng

Trên đây là nguyên lý của cân bằng trắng, vậy trong thực tế khi chụp ảnh có cần thiết phải cân bằng trắng hay không? Câu trả lời là tuỳ từng trường hợp, ví dụ nếu bạn chụp ảnh phóng sự và muốn giữ toàn bộ sự thật thì không cần cân bằng trắng, vì bạn sẽ giữ được màu sắc của bối cảnh khi chụp. Nhưng khi bạn cần chụp đúng màu vật thể, thì bạn nên cân bằng trắng. Dưới đây mình sẽ giới thiệu một số chế độ cân bằng trắng có sẵn trong máy ảnh.

Chế độ Auto: Chọn chế độ này khi bạn muốn giao cho máy ảnh tự động chỉnh cân bằng trắng thay bạn. Đây là chế độ cân bằng trắng tự động hoàn toàn, máy ảnh sẽ tự động nhận diện màu sắc của ánh sáng môi trường và cân bằng trắng cho bạn. Ưu điểm của chế độ này là bạn rất rảnh vì không phải làm gì, máy ảnh ngày nay cũng cân bằng trắng rất tốt. Nhược điểm là thỉnh thoảng máy ảnh sẽ cân bằng trắng sai.

Chế độ Daylight: Chọn chế độ này khi chụp ngoài trời nắng với ánh sáng màu trắng

Chế độ Cloudy: Chọn chế độ này khi chụp ngoài trời nhưng có mây che khuất mặt trời

Chế độ Shade: Chọn chế độ này khi chụp dưới bóng mát bên hông toà nhà. Nghĩa là trời vẫn nắng, nhưng bạn chụp trong bóng mát của một toà nhà

Chế độ Fluorescent: Chọn chế độ này khi chụp trong nhà dưới ánh sáng của đèn huỳnh quang (hay còn gọi là bóng đèn tuýp)

Chế độ Tungsten: Chọn chế độ này khi chụp trong nhà dưới ánh sáng của bóng đèn tròn

Chế độ Flash: Chọn chế độ này khi bạn sử dụng đèn flash

Chế độ K: Đây là chế độ cho phép bạn tuỳ chỉnh bằng cách bạn gán cho K một giá trị nào đó. Tuỳ vào điều kiện ánh sáng khi chụp mà bạn chọn giá trị cho K (ví dụ chụp với ánh sáng trắng thì đặt K = 5500). Để chụp được chế độ này thì bạn phải hiểu về nhiệt độ màu, đòi hỏi bạn phải nghiên cứu sâu hơn thì mới làm tốt được.

Trên đây là những kiến thức về cân bằng trắng ở mức độ cơ bản, nhằm chia sẻ cho những bạn mới tập chụp tham khảo. Khi bạn nghiên cứu chuyên sâu hơn thì bạn cần phải tìm hiểu thêm. Xin chúc các bạn luôn duy trì được đam mê với nhiếp ảnh, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về nhiếp ảnh, hãy comment bên dưới, mình sẽ viết bài tư vấn cho bạn ở các bài viết tiếp theo.

Một số ảnh chụp demo

Ảnh chụp đạt cân bằng trắng

Ảnh chụp đạt cân bằng trắng - 02


Nguyen-Kien-Cuong

1 Nhận xét

✪★ Chèn link ảnh/video trực tiếp vào khung bình luận để hiển thị hình ảnh hay video cho phần nội dung.
✪★ Nếu tải file mẫu không được, vui lòng để lại nhận xét vào khung bình luận bên dưới để được hỗ trợ nhé .
✪★ Chúc các bạn có một năm Nhâm Dần 2022 🐯 nhiều thành công tốt đẹp!

  1. Bài chia sẽ rất hay. Tuy nhiên theo mình nghĩ cứ đơn giản là xách ảnh len và chụp đi....đừng ngại ngùng. Còn hình sau đó có chổ nào sai quẳng lên cho Lr và Ps nó làm cho đúng lại... WB rất quan trọng cho máy phim... chứ máy kỉ thuật số thì không cần quan tâm lắm...

    Trả lờiXóa
Mới hơn Cũ hơn