Không ai có thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của những ngươi họa sĩ Pháp những năm đầu thế kỷ trước dành cho nền mỹ thuật nước nhà. Họ mang đến một phong cách mới mẻ hiện đại từ người Pháp và thổi hồn vào những tác phẩm mang âm hưởng đồng quê Việt Nam tuyệt vời. Tuy nhiên có một vị họa sĩ nổi bật nhất mà tình yêu của ông dành cho Hà Nội cũng như những cống hiến của ông dành cho việc đào tạo những thế hệ họa sĩ người Việt Nam khiến chúng ta càng thêm cảm phục.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về người họa sĩ tài ba đầy tâm huyết Victor Tardieu cùng với những cống hiến phi thường của ông nhé.
{tocify} $title={Những Điều Phi Thường Của Họa Sĩ Victor Tardieu}
![]() |
Tranh sơn dầu 77 m2 của Victor Tardieu (Tranh vẽ lại:Ảnh sưu tầm) |
Cả ba thế hệ cùng dành tình yêu cho Hà Nội
Ba thế hệ của dòng họ Tardieu đều có một tình yêu lớn với Hà Nội. Nếu Victor Tardieu (1870 - 1937), người đã chọn Hà Nội để đến, để cống hiến và để … chết, thì con trai duy nhất của ông, nhà văn Jean Tardieu (1903 - 1995) cũng đã “vẽ” nên một Hà Nội thật đẹp qua “Thư Hà Nội”.
Quãng thời gian 1927 - 1928, Jean Tardieu thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Hà Nội. Thừa hưởng cái nhìn sắc sảo về hội họa của cha, Jean Tardieu viết về Hà Nội không phải như một người khách đến rồi đi, thấy sự gì lạ thì ghi chép. Ông viết về Hà Nội như thể ông là một phần của Hà Nội ... Năm 1997, nhà xuất bản danh tiếng của Paris Gallimard đã ấn hành cuốn “Thư Hà Nội” của Jean Tardieu và ba năm sau, Nhà xuất bản Phụ Nữ chuyển ngữ cuốn sách sang tiếng Việt. Nhẹ nhàng, đằm thắm, những kí ức về Hà Nội của Jean Tardieu khiến chúng ta, gần một thế kỉ sau đọc lại vẫn còn thấy rưng rưng ...
Năm 2006, nhân dịp kỉ niệm 100 năm Đại học Đông Dương, bà Alix Turolla Tardieu (sinh năm 1936) - con gái nhà văn Jean Tardieu được mời sang thăm Việt Nam. Từ khi chưa đặt chân đến Việt Nam, bà Alix Turolla Tardieu đã “biết quá nhiều về mảnh đất này qua bà nội, qua người cha và những tư liệu trong thư viện gia đình”. Rất sung sướng và tự hào khi những tác phẩm của ông nội và cha được công chúng Việt Nam đánh giá cao, bà Alix Turolla Tardieu nói :
“Bà nội tôi và các thế hệ sau này của dòng họ Tardieu luôn ngưỡng mộ trước những công việc mà ông nội Victor đã làm tại Việt Nam. Ông tôi luôn muốn sống và làm việc ngay tại đất nước này mà không có ý định quay lại Pháp. Tất nhiên bà tôi buồn vì điều đó nhưng bà kể rằng, bà biết ở đây, ông đã làm được những gì mà ông mong muốn”.
Victor Tardieu và tình yêu kì lạ dành cho Hà Nội
Victor Tardieu là họa sĩ theo trường phái cổ điển, Ông đi nhiều và vẽ nhiều. Trong Thế chiến thứ nhất (1914 - 1918), Ông có mặt tại miền Bắc nước Pháp và sáng tác ngay trên chiến trường khi tiếng súng vừa dứt. Chiến tranh kết thúc, Ông trở về và tiếp tục giấc mơ hội họa với hàng loạt tác phẩm được ghi nhận bằng Giải thưởng Đông Dương năm 1920. Phần thưởng là một chuyến đi du lịch. Tháng 1 năm 1921, Victor Tardieu xuống tàu tại Marseille. Hơn một tháng lênh đênh trên biển, Ông đặt chân đến Việt Nam. Thoạt đầu, Victor Tardieu chỉ định dừng ở Hà Nội vài tháng nhưng rồi mảnh đất này đã có sức hút mãnh liệt, níu chân Ông đến tận cuối đời.
Tại Hà Nội, Victor Tardieu nhận được hợp đồng vẽ một bức tranh khổ lớn trang trí cho Giảng đường chính của Đại học Đông Dương (nay là Hội trường Ngụy Như Kon Tum, số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội). Miệt mài trong 6 năm trời, trên một diện tích 77 m2. Bằng chất liệu sơn dầu trên toan, Victor Tardieu đã minh họa một cách sinh động khung cảnh xã hội Hà Nội qua cảm nhận của Ông. Theo đánh giá của giới chuyên môn cùng thời, bức tranh là sự hoàn hảo của kĩ thuật phương Tây thời đó, nhưng lại thể hiện rõ văn hóa phương Đông.
Tâm điểm của bức tranh, chiếc cổng tam quan với cây hoa đại bên cạnh và cây cổ thụ phía sau - là một hình ảnh rất tiêu biểu cho đất nước Việt Nam. Bức tranh tập trung đề cao việc học - không chỉ bằng câu đối viết bằng chữ Nho trên cổng tam quan : “Nhân tài quốc gia chi nguyên khí/ Đại học giáo hóa chi bản nguyên” (Nhân tài là nguyên khí quốc gia/Đại học là gốc của giáo hóa), mà còn bằng hình tượng Allegorie du Progrès - bà mẹ của trí tuệ, tay cầm sách, hướng mọi người đến trí thức.
Với gần 200 nhân vật, trong đó có mặt 4 vị Toàn quyền Đông Dương : Paul Doumer, Jean Baptiste Paul Beax, Albert Sarraut, Maurice Long và những cư dân bản xứ, bức tranh như một xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX được thu nhỏ.
Đây là bức tranh khổ lớn cuối cùng của Victor Tardieu. Tiếc rằng qua thời gian, vì nhiều lí do khác nhau, tác phẩm hoành tráng này đã bị dỡ bỏ. Nhận thức sâu sắc về giá trị của bức tranh, đồng thời thể hiện sự trân trọng đối với một tài năng, một bậc thầy hội họa, Ban lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho vẽ lại bức tranh theo nguyên mẫu để giới thiệu với công chúng nhân kỉ niệm 100 năm thành lập Đại học Đông Dương vào tháng 5 năm 2006.
Sáng lập Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương
Trong lịch sử mĩ thuật Việt Nam hiện đại, họa sĩ Victor Tardieu được vinh danh với tư cách người sáng lập cũng là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mĩ thuật Đông Dương, tiền thân của Trường Đại học Mĩ thuật ngày nay, nơi đã đào tạo nhiều tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam. Khoảng thời gian thực hiện bức tranh khổ lớn cũng là khoảng thời gian Victor Tardieu khám phá ra nhiều điều thú vị về văn hóa Việt Nam. Sự chân thành, ham học hỏi của những con người mà Ông đã gặp, sự cuốn hút của cảnh sắc thiên nhiên và cả những di sản văn hóa nơi đây đã kéo dài chuyến du hành và khiến Ông gắn bó sâu sắc với Việt Nam như Tổ quốc thứ hai của mình. Victor Tardieu nhận thấy Việt Nam có một nền mĩ thuật cổ truyền phong phú. Khiếu thẩm mĩ của người Việt rất tinh tế, nếu được hướng dẫn và đào tạo chu đáo thì chắc chắn nền mĩ thuật Việt Nam sẽ tiến triển. Nhận xét xác đáng ấy là cơ sở để Ông vận động Chính phủ Pháp ở Paris, cũng như chính quyền bảo hộ của Pháp tại Đông Dương thành lập một Học viện Mĩ thuật với khuôn mẫu là Trường Quốc gia Cao đẳng Mĩ thuật Pháp ở Paris.
Trường Mĩ thuật Đông Dương ra đời tháng 10 năm 1924 (Victor Tardieu được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng vào tháng 11 năm 1924). Không nằm ngoài ý đồ là bình phong “khai hóa” và tăng uy tín cho "Mẫu quốc", nhưng là một nghệ sĩ có tư tưởng tiến bộ, vượt ra khỏi quan điểm hẹp hòi của chủ nghĩa thực dân, với tấm lòng ái mộ chân thành đối với văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam và một tình yêu sâu sắc đối với đất nước và con người Việt Nam, Hiệu trưởng Victor Tardieu đã đề ra một chiến lược đào tạo sáng suốt : Giúp đỡ các nghệ sĩ và nghệ nhân Việt Nam tìm lại cho được ý nghĩa sâu xa, nguồn cảm hứng cơ bản từ chính truyền thống của họ.
Ngay từ đầu, Hiệu trưởng Victor Tardieu đã không áp đặt bất kì khuynh hướng, trường phái nghệ thuật nào ở châu Âu với các thế hệ sinh viên của trường, thay vào đó Ông và các đồng sự truyền cho họ lòng say mê và những kĩ thuật hội họa cơ bản. Chính Ông đã bỏ nhiều thời gian và công sức sưu tầm tranh lụa Trung Quốc thời Đường, Tống ; phiên bản tranh lụa, tranh khắc gỗ màu Nhật Bản thế kỉ XVII ; cho người đi Vân Nam mua lụa, bút ; về làng Bưởi đặt giấy dó, gỗ thị ; … để cho các sinh viên tham khảo và có vật liệu sáng tác. Ông còn cho mở xưởng nghiên cứu nghề sơn Phú Thọ tại trường và dựa trên cơ sở đó Ông công bố chủ trương : Những bài thi tốt nghiệp đều phải được thực hiện bằng các hình thức nghệ thuật dân tộc.
Họa sĩ Trần Văn Cẩn từng kể, thời ông còn học ở Trường Mĩ thuật Đông Dương, “cụ Tạc” - cái tên thân mật mà các trò Việt đã gọi thầy - rất thiết tha với sinh viên nên thường cho sinh viên xem trong thư viện riêng của cụ rất nhiều tranh phiên bản, sách báo tư liệu về hội họa phương Tây. Ông Cẩn nói :
“Nếu không có hướng đào tạo đúng, đào tạo nghệ sĩ chứ không phải đào tạo nghệ nhân, sự quyết tâm, bền bỉ của “cụ Tạc”, thì Trường không thể ra đời và tồn tại được. Có thể nói là nếu không có vai trò của cụ thì hội họa Việt Nam đã hiện đại hóa theo một con đường khác. Những nghệ sĩ như cụ đã tạo ra ở trường một “không khí nghệ thuật” chưa từng có ở Việt Nam: Quan niệm về học Đại học vì thích cái đẹp chứ không phải ra làm quan, sống bằng nghề tự do, vẽ không những hoa lá, phụ nữ, … mà còn nghiên cứu vốn cổ dân tộc, vẽ chùa chiền, đất nước, nông dân, …”.
Với hướng đào tạo đúng, chỉ trong mấy năm, một số tác phẩm đặc sắc mang diện mạo Việt Nam đã xuất hiện : Tranh sơn mài “Bờ ao” của Trần Quang Trân, tranh khắc gỗ màu “Bến sông Hồng” của An Sơn Đỗ Đức Thuận, tranh lụa “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh, … Tại Hội chợ Đấu xảo thuộc địa Paris năm 1931, đích thân Hiệu trưởng Victor Tardieu mang tranh tượng của các họa sĩ Đông Dương vừa tốt nghiệp “trình làng” công chúng Pháp. Những tác phẩm đầu tay của các sinh viên Việt Nam mang bản sắc dân tộc với các chất liệu lụa, sơn mài thuần túy phương Đông, đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới mĩ thuật Paris.
Sự ra đời của Trường Mĩ thuật Đông Dương đã làm thay đổi quan niệm sáng tác và cống hiến một thế hệ họa sĩ tiên phong cho nền mĩ thuật Việt Nam. Đó là Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Mai Trung Thứ, Trần Văn Cẩn, Lê Thị Lựu, Nguyễn Cát Tường, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Phan Kế An, Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến, Văn Cao, Nguyễn Sáng, Tạ Thúc Bình, …
Họa sĩ Tô Ngọc Vân, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mĩ thuật Việt Nam - kế tiếp từ trường Mĩ thuật Đông Dương, đã nói :
“Nếu không có trường Mĩ thuật Đông Dương thì chúng ta sẽ bị lạc vào tà đạo hết”.
![]() |
Chân dung đen trắng Họa sĩ Victor Tardieu (30/04/1870 - 12/06/1937) |
Tôn vinh
Một trường mĩ thuật do người Pháp mở và trực tiếp giảng dạy, nhưng đã đào tạo ra lớp nghệ sĩ người Việt có khả năng xây dựng cho đất nước Việt Nam một nền nghệ thuật tạo hình dân tộc là điều kì diệu mà chỉ các giáo viên - nghệ sĩ chân chính với đầy đủ thiện chí và lương tâm nghề nghiệp mới làm được. Tuy nhiên, thành tích vẻ vang này là điều mà chính quyền thực dân bảo hộ không mong đợi. Họ chỉ muốn đào tạo đơn thuần những nghệ nhân sản xuất hàng mĩ nghệ xuất khẩu, phục vụ thiết thực cho lợi ích kinh tế của "Mẫu quốc" mà thôi. Do vậy, nhiều phen họ đã toan đóng cửa trường nhưng Hiệu trưởng Victor Tardieu kiên quyết chống lại. Không chỉ bảo vệ sự tồn tại của ngôi trường, Ông còn làm cho nó ngày càng phát triển để chứng minh chủ trương đào tạo đúng đắn. Ông là người Pháp duy nhất ở thời điểm đó dám khẳng định : "Người An Nam hoàn toàn có năng khiếu để trở thành những nghệ sĩ tạo hình chân chính và họ có quyền được như vậy !"
Suốt 12 năm tận tụy trên cương vị Hiệu trưởng, với nhãn quan tiến bộ và giàu lòng nhân ái, Victor Tardieu đã xây dựng nhà trường thành một trung tâm đào tạo các họa sĩ, nhà điêu khắc và các kiến trúc sư có uy tín, gây được tiếng vang trên toàn cõi Đông Dương.
Ông qua đời ngày 12/06/1937 tại Hà Nội trong nỗi tiếc thương vô hạn của học trò, đồng nghiệp và những người yêu hội họa. Tài năng, sức lực và những tình cảm lớn lao mà Ông dành cho mảnh đất này luôn được những thế hệ người Việt Nam trân trọng.
Ngoài các đề tài về phong cảnh thiên nhiên đặc sắc của Việt Nam, ông Tardieu cũng như các họa sĩ Pháp cùng thời cũng rất hay vẻ về đề tài con người xửa mà đặc biệt là hình ảnh về những người Phụ nữ miền quê chất phát, hiện hòa. Mời các bạn cùng thưởng thức những bức tranh về phụ nữ Bắc Bộ xưa tuyệt đẹp ở đây: Hình ảnh phụ nữ Việt Nam xưa qua nét vẻ của họa sĩ người Pháp
(Thu Hang- Báo điện tử Hànộimới - Ngày 21/11/2018)
Thật thú vị khi tìm hiểu để biết thê về vị họa sĩ tài hoa mà nhiều tâm huyết này. Hy vọng sắp tới những cống hiến của ông dành cho mỹ thuật Việt Nam càng được trân trọng và chia sẽ để nhiều người biết hơn.
Trả lờiXóa